Hàng loạt dự án được đẩy nhanh để mở cửa ngõ TP.HCM

09/03/2023 | 10:37

Hàng loạt dự án được đẩy mạnh trong năm 2023 để mở rộng các cửa ngõ trọng điểm tại TP.HCM. Việc này không chỉ giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa mà còn giảm áp lực cho mạng lưới giao thông nội đô tại thành phố mang tên Bác.

33 dự án được ưu tiên, nếu làm chậm sẽ bị kiểm điểm 

UBND TP.HCM đã thống nhất danh mục 33 dự án, công trình giao thông trọng điểm tại cửa ngõ TP.HCM để đẩy mạnh tiến độ thi công trong năm 2023 theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Thành phố. Trong đó, có 20 dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư, bao gồm: dự án thành phần 1 xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn 3 đường Vành đai 2 (nối đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa),  tuyến metro số 1, metro số 2, QL50, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú, mở rộng xa lộ Hà Nội... cùng một số cây cầu đang xây dựng dang dở thuộc TP.Thủ Đức như: cầu Tăng Long, cầu Nam Lý…

Nút giao An Phú là một trong 33 dự án được ưu tiên

Nút giao An Phú là một trong 33 dự án được ưu tiên 

Ngoài ra, sẽ có thêm 13 dự án chuẩn bị được đầu tư thực hiện bằng ngân sách và hình thức đối tác công tư. Bao gồm các dự án tiêu biểu dưới đây: 

- Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng) 

- Đường Vành đai 2 - đoạn 1 (8.591 tỷ đồng)

- Đường Vành đai 2 - đoạn 2 (8.458 tỷ đồng)

- Dự án đường Vành đai 4 (19.187 tỷ đồng)

- Cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỷ đồng)

- Cầu Cần Giờ (9.982 tỷ đồng)

- Xây dựng cầu - đường Bình Tiên (hơn 4.100 tỷ đồng)

- Dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý

- Mở rộng QL13

-  Dự án xây dựng tuyến đường Liên Cảng Phú Hữu - Cát Lái - Vành đai 3 (8.000 tỷ đồng)...

Trong lần ưu tiên này, Ban lãnh đạo Thành phố HCM quyết liệt chỉ đạo Sở GTVT là cơ quan thường trực, chủ trì, theo dõi và đôn đốc sở ngành đơn vị liên quan để thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về tình hình thực tế lên UBND TP. Bên cạnh đấy, cần đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, công trình trọng điểm  trên định kỳ hàng tháng. 

Đặc biệt, ngành Giao thông sẽ được giao phối hợp cùng với Sở nội vụ để kịp thời để xuất UBND TP phê bình, kiểm điểm đối với những tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, giải quyết công việc chậm trễ gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó sẽ được khen thưởng xứng đáng. 

Gỡ nút thắt tại các cửa ngõ TP.HCM

Thông tin dự án QL13 được ưu tiên triển khai mở rộng trong năm 2023 khiến nhiều người dân TP nửa mừng nửa lo. Mừng là vì con đường này được coi là “xương sống” nối Bình Dương với TP.HCM. Tháng 04/2022, Bình Dương đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn giáp ranh TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một với tổng chiều dài 12,6km, thêm 2 làn xe (tăng từ 6 lên đến 8 làn xe), hướng đi từ TH.HCM đi Bình Dương. 

Tại buổi lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Nguyễn Văn Dành đã nhấn mạnh đoạn đường này giao với tuyến Vành đai 3 của TP.HCM, là tuyến đường kết nối vùng vô cùng quan trọng được Chính Phủ và các tỉnh Đông Nam bộ chú trọng đầu tư triển khai. Do đó, nếu đoạn từ phía TP.HCM nhanh chóng được mở rộng sẽ giúp QL13 trở thành tuyến đường trọng điểm kết nối TP.HCM với các tỉnh phía ở Đông và khu vực Tây nguyên. Tuy nhiên, nỗi lo cũng không kém vì thời gian quan đoạn QL13 phía Bình Dương mới có 6 làn xe đã gây dồn ứ rất lớn khi về tới TP Thủ Đức. 

Cầu Bình Triệu phải gánh một lượng phương tiện khổng lồ

Cầu Bình Triệu phải gánh một lượng phương tiện khổng lồ

QL13 là tuyến đường chính để vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương về TP.HCM. Tuy nhiên, với hơn 13 khu công nghiệp, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn khiến tình trạng ách tắc luôn diễn ra cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt, Cầu Bình Triệu phải gánh một lượng phương tiện khổng lồ khiến QL13 trở thành “nút cổ chai”. Nếu cứ tiếp tục chậm trễ sẽ khiến danh sách ưu tiên lại bị “delay” như những năm trước thì khi đoạn mở rộng phía Bình Dương hoàn thành sẽ càng đè nặng thêm áp lực giao thông cửa ngõ TP.HCM

Bên cạnh QL13, hai dự án cửa ngõ quan trọng của TP.HCM cũng được ưu tiên là nút giao An Phú và QL50. Trong đó, QL50 trên địa bàn huyện Bình Chánh sau khi hoàn thành sẽ tạo thành trục kết nối cửa ngõ TP.HCM tới tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Từ QL50 sẽ kết nối với tuyến Vành đai 3 và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. 

Với nút giao An Phú, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang dọn dẹp mặt bằng phía Bà Dạt (TP.Thủ Đức), tổ chức rào chắn để tiến hành thi công. Trong suốt nhiều năm qua, khu vực này được cho là nút thắt lớn nhất khiến tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh của rất nhiều người dân. An Phú không chỉ có nút giao mà khu vực này còn có nhiều loại hình giao thông kết nối như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây, trong tương lai có thêm đường sắt nhẹ từ TP.HCM đi Cảng hàng không Long Thành, đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, tuyến metro số 2 từ Bến Thành qua Thủ Thiêm…

 

Nguyễn Hà

Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Từ khóa: TP.HCM giao thông

Tạp chí Sao

Đọc nhiều nhất