Người đàn ông nguy kịch, phải lọc máu gấp sau khi ăn nửa trái xoài

26/04/2023 | 10:37

Trường hợp của anh T.T.V (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) cần lọc máu khẩn cấp sau khi ăn nửa trái xoài. Trước đó, vào tối ngày 22/4, anh V có ăn nửa quả xoài, sau khi ngủ dậy thì thấy người mệt lả, khó thở nên phải gọi người nhà đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp tăng, liên tục nôn ói, khó thở.

Người đàn ông phải lọc máu do chỉ số creatinin quá cao

Được biết, bệnh nhân V bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải thường xuyên lọc máu chạy thận. Bệnh nhân sau khi nhập viện được tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu. Kết quả cho thấy chỉ số creatinin trong máu cao gấp 10 lần bình thường, kali tăng gấp đôi là 7.56 mmol/l (người bình thường 3.5-5.1 mmol/l), ure máu tăng 3 lần.

Ông Tôn Minh Trí - Bác sĩ chuyên khoa 1 khoa Cấp cứu đánh giá anh V bị suy thận cấp trên nền bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Sau khi nhận định được mức độ nguy hiểm của bệnh, anh V được cho dùng thuốc hạ kali máu và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu  để tiến hành lọc máu. Sau 8 tiếng điều trị tích cực, người đàn ông ổn định lại và ăn uống bình thường.

Tại bệnh viện, anh V chia sẻ, thời điểm cuối năm 2022, anh thường xuyên có biểu hiện đau lưng dù làm việc nhẹ, nhiều lần ăn cơm xong còn bị nôn. Tuy nhiên, anh chỉ nghĩ mình bị trào ngược dạ dày vì đi chẩn đoán tại nhiều bệnh viện nhận về kết quả thận bình thường. 

Người đàn ông phải lọc máu để giữ tính mạng

Người đàn ông phải lọc máu để giữ tính mạng

Đến tháng 3/2023, cơ thể anh V bắt đầu có những biến đổi, phù chân, tay, mặt sưng,  khó tiểu, bụng phình to. Anh V vào viện kiểm tra chỉ số creatinin thì các bác sĩ phát hiện anh bị  suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận định kỳ.

Thời điểm đó, người đàn ông mới nhớ lại thời gian hơn 10 năm nay, mỗi ngày anh đều uống 4,5 lon nước ngọt thay cho nước lọc. Anh cũng không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, cho đến khi phát hiện suy thận nặng thì mọi thứ đã quá muộn màng.

Nguyên nhân dẫn đến suy thận, phải lọc máu

Bác sĩ Trí cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận mạn như hội chứng thận hư, tăng huyết áp, sỏi thận, biến chứng của bệnh đái tháo đường… Riêng việc uống quá nhiều nước ngọt sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường… Huyết áp nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, từ đó làm giảm lượng máu đến thận, phá hủy bộ lọc tại cầu thận.

Đáng chú ý, đồ uống có ga có chứa axit photphoric dẫn đến thay đổi thành phần nước tiểu, thúc đẩy thận tạo sỏi dẫn đến suy thận mạn tính. Một nghiên cứu cho thấy uống 2 ly nước ngọt có ga mỗi ngày làm tăng nguy cơ suy thận mạn tính gấp 2 lần.

Bệnh suy thận mạn tính ở những giai đoạn đầu thường không có nhiều triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Chỉ khi ở giai đoạn cuối các triệu chứng mới rõ ràng như: sạm da, tiểu ít, đau lưng, phù nề… Chính vì vậy, việc đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu và nước tiểu là rất cần thiết. 

Với người bệnh nhân có bệnh nền về thận như: viêm cầu thận, sỏi thận… các bác sĩ khuyên không nên sử dụng nước ngọt để tránh bệnh phát triển mạnh dẫn đến suy thận. Khi vào giai đoạn suy thận đang lọc máu, bệnh nhân cần uống thuốc đầy đủ và tuân thủ chế độ ăn uống chặt chẽ.

Lê Hồng

Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Từ khóa: lọc máu xoài

Tạp chí Sao

Đọc nhiều nhất