01/04/2023 | 09:17
Qua hai đợt khám, tổng cộng đã có 143 người bị ghẻ. Trong đó có những bệnh nhi chưa được 1 tuổi. Thông tin được cung cấp bởi Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng - ông Đặng Văn Nam.
Bệnh bắt đầu phát hiện từ ngày 8/3, đến ngày 31/3 Trung tâm y tế đã ghi nhận 143 trường hợp mắc ghẻ. Tất cả đều là người dân của thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng. Hiện, các cơ quan chức năng, cơ sở y tế đang cố gắng kiểm soát lây lan.
Gần 150 người trong cùng một thôn bị ghẻ
Theo báo cáo, ca bệnh đầu tiên được phát hiện và đưa đến cơ sở y tế là vào ngày 8/3. Đến ngày 16/3 thì thôn có thêm 19 người có biểu hiện tương tự. Ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ngãi đã đến từng nhà để khám bệnh, điều trị, cấp phát thuốc. Người dân cũng đã được hướng dẫn cách phòng bệnh. Sau quá trình thăm khám thì CDC và Trung tâm y tế đã ghi nhận có 99 trường hợp bị bệnh lây nhiễm này..
Đến ngày 27/3 tiếp tục có một đợt khám bệnh tại thôn thì đã phát hiện thêm 44 trường hợp mắc ghẻ. Tổng số ca bệnh tại thôn Tang lên đến 143 trường hợp. Trong đó có 19 bệnh nhân đã ổn định và 124 người vẫn còn đang trong quá trình điều trị. Theo thông cáo của cơ quan chức năng thì tình hình bệnh còn đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm có thể còn tăng.
Tình hình bệnh phức tạp, số ca nhiễm có thể tăng
Thôn Tang, xã Trà Bùi là một khu vực xa xôi, hẻo lánh và còn đặc biệt khó khăn của huyện Trà Bồng. Thôn nằm cách Trạm Y tế xã khoảng 10km và cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 35km. Để có thể đi lại từ y tế đến thôn khá khó khăn, phải đi bộ nhiều giờ.
Toàn thôn có 282 nhân khẩu, hầu hết là người đồng bào dân tộc Cor. Đời sống của người dân còn khó khăn nên công tác phòng chống dịch cũng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm còn chưa cao nên tình hình lây lan khó kiểm soát.
Theo Giám đốc CDC tỉnh Quảng Ngãi - Ông Hồ Minh Nên cho biết, đã 40 năm khu vực này chưa ghi nhận nhiều ca bệnh đến như vậy trong cùng một thôn. Bệnh trước kia chỉ xuất hiện rải rác một vài ca, dễ dàng kiểm soát và khoanh vùng. Tuy nhiên, lần này đã có gần 150 người mắc và con số vẫn chưa được thống kê hết. Có thể sẽ tăng số ca bệnh trong tương lai.
Bệnh ghẻ có nguy cơ trở thành dịch nếu không được kiểm soát
“Bệnh ghẻ không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đây là bệnh lý có khả năng lây lan nhanh từ người sang người. Nếu không cẩn thận có thể bùng dịch trong cộng đồng. Bệnh cũng gây ngứa ngáy khó chịu cho người nhiễm” - ông Nên nói.
CDC Quảng Ngãi đã có chỉ đạo cụ thể cho Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng theo dõi chặt chẽ, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó là tăng cường công tác truyền thông cho người dân biết cách phòng tránh bệnh. Ví dụ như cần vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở sạch sẽ… Đồng thời, những người chưa mắc căn bệnh lây nhiễm này cần tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với da hoặc tiếp xúc với đồ dùng của những người bị bệnh.
Quần áo, chăn màn và đồ dùng của người bệnh ngâm xà phòng đậm đặc, luộc nước sôi sau đó phơi ngoài nắng. Chú ý để cách xa với đồ dùng của những người xung quanh. Người mắc bệnh truyền nhiễm này cần được cách ly, không dùng chung quần áo, không ngủ chung. Khi cảm thấy ngứa dữ dội, cường độ tăng vào ban đêm, có thương tổn đỏ trên da, da bong vảy và có nốt sần thì cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Ghẻ không phải là một trong các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Tuy nhiên, bệnh có thể truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc qua da, dùng chung quần áo chăn màn đồ dùng hoặc ngủ chung. Bệnh do một loại ký sinh trùng tên Sarcoptes scabiei (cái ghẻ) xâm nhập vào da sau đó gây thương tổn. Bệnh thường được phát hiện sau khoảng 6 đến 8 tuần tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Cái ghẻ đào sâu và đẻ trứng trong đường hầm dưới da
Dấu hiệu đầu tiên người bệnh sẽ thấy đó là ngứa. Nguyên nhân do cái ghẻ đào đường hầm dưới da và liên tục đẻ trứng. Đường hầm riêng lẻ, không xuất hiện từng chùm và có khá nhiều trường hợp có thể quan sát được. Phía đầu đường hầm thường mọc mụn nước, lấy kim khều có thể bắt được cái ghẻ dính vào đầu kim.
Vùng da khu trú của ghé chủ yếu là các kẽ ngón tay, cẳng tay, đường chỉ tay, mặt trước của cổ tay, khu vực quanh thắt lưng, kẽ mông, rốn, bộ phận sinh dục và mặt trong đùi. Ở trẻ em, bệnh truyền nhiễm này có thể được phát hiện ở da đầu gót chân, đôi khi có ở lòng bàn chân và mặt. Triệu chứng ngứa thường trầm trọng hơn vào ban đêm do đây là thời điểm cái ghẻ hoạt động mạnh nhất.
Tình hình căn bệnh của người dân thôn Tang sẽ tiếp tục được thông tin trong những ban tin tiếp theo. Những vấn đề liên quan đến sức khỏe mới nhất sẽ liên tục được cập nhật tại Sống khỏe
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2024 – Công ty May Việt Nam VGC đã chính thức được ...