Chủ cơ sở kinh doanh karaoke "kêu cứu" vì trên đà sắp phá sản

13/04/2023 | 10:26

Chiều ngày 10/4, hàng trăm chủ cơ sở karaoke trên 11 tỉnh, thành phố khắp cả nước, bao gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh... đã có buổi gặp mặt tại Hà Nội để chia sẻ những khó khăn trong suốt thời gian vừa qua.

Hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh karaoke kêu cứu trước đà phá sản

Trong buổi gặp mặt, các chủ cơ sở kinh doanh karaoke đều bày bỏ những khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Họ không biết phải đáp ứng những yêu cầu của cơ quan chức năng như thế nào. Các quy định cũ và quy chuẩn mới chồng chéo lên nhau, không phù hợp với thực tế. Quy chuẩn mới đưa ra thì không có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy hoang mang. 

Các chủ cơ sở kinh doanh karaoke tại buổi họp mặt

Các chủ cơ sở kinh doanh karaoke tại buổi họp mặt

Tại buổi gặp mặt, hơn 200 chủ cơ sở, đại diện cơ sở karaoke của các tỉnh, thành phố đã đồng thuận ký vào đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho ngành nghề karaoke. 

Bên cạnh đấy, cần tổ chức các buổi đối thoại giữa các cơ quan chức năng và tập thể cơ sở kinh doanh karaoke để tìm kiếm những giải pháp khắc phục và giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp, cơ sở. 

Các chủ cơ sở chia sẻ những khó khăn của ngành kinh doanh dịch vụ karaoke 

Bà Bùi Thị Thu Hà, đại diện các cơ sở karaoke ở Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 838 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Các cơ sở từ trước đến nay vẫn hoạt động bình thường, có sự kiểm tra và giám sát của lực lượng chức năng Phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. 

Những tấm biển thông báo đã quá quen thuộc tại các cơ sở karaoke

Những tấm biển thông báo đã quá quen thuộc tại các cơ sở karaoke

Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 về vấn đề tổng rà soát, kiểm tra an toàn về Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên phạm vi toàn quốc thì tất cả các cơ sở đều bị dừng hoạt động với kết luận không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của Bộ công an. Đồng thời, yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, thiếu sót về Phòng cháy chữa cháy. 

Hàng trăm cơ sở kinh doanh karaoke phá sản vì phải dừng hoạt động từ cưới năm 2022 đến nay. Cộng với đấy là việc phải đóng cửa trong suốt 2 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Lời kêu cứu của chủ cơ sở karaoke

Theo bà Hà, các cơ sở phải đầu tư cho hệ thống Phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm, trang trí âm thanh cho một phòng hát hết khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Khi áp dụng theo quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD thì thì các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm từ đầu, thậm chí nhiều quán karaoke phải đập bỏ và phá sản. 

Ông Trần Xuân Dũng, đại diện các cơ sở karaoke ở TP Hồ Chí Minh cho biết, ông đã lặn lội hàng nghìn km để ra Hà Nội gặp các chủ cơ sở karaoke khác trên toàn quốc để “cầu cứu” lên các cơ quan chức năng. Ông Dũng cho, TP Hồ Chí Minh có khoảng 400 cơ sở karaoke bị đóng cửa, mỗi cơ sở đều có số tiền đầu tư lên đến 10 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu là đi vay mượn, thế chấp ngân hàng để kinh doanh. Chưa tính đến việc quán karaoke đóng cửa khiến hàng trăm lao động bị thất nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều cơ sở cung cấp đồ ăn, nước uống. 

Ông Dũng tâm sự, ông có 4 cơ sở kinh doanh karaoke, mỗi cơ sở đầu tư 10 tỷ đồng, công thêm tiền mặt bằng thuê 500 triệu/tháng. Chưa tính còn tiền thuê nhân viên bảo vệ, trông giữ xe, tiền trả lãi cho ngân hàng hàng tháng, tiền duy trì quán trong suốt thời gian phải đóng cửa… Tất cả đều phải vay ngân hàng nhưng giờ không vay được nữa nên đành chuẩn bị tuyên bố phá sản. Ông Dũng cho biết đây là tình trạng chung của các cơ sở karaoke tại TP Hồ Chí Minh. 

Giống như ông Dũng, bà Hà, nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng đang cầu cứu các cơ quan chức năng để được sớm mở cửa trở lại. Bởi lẽ, mỗi ngày trôi qua họ phải gồng gánh chả chục triệu tiền nhà, chưa kể những chi phí phát sinh khác.

Nguyễn Hà

Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Tạp chí Sao

Đọc nhiều nhất