05/06/2023 | 11:26
Tối ngày 4/6, trao đổi với báo chí về việc liên quan đến vụ thanh niên chặn xe cấp cứu kèm lời tuyên bố: "Tao là trùm ở đây, sao mày dám hú còi?", Hà Quang Danh (26 tuổi, trú tại phường 9, Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) - người cầm đá ném vỡ kính xe cấp cứu đã nhận lỗi và cho biết đang trên đường về nhà để trình diện công an.
Danh cho biết: "Lúc đó tôi có hơi men, bị xe cấp cứu ép gần ngã xuống ruộng nên đã vượt lên yêu cầu tài xế nói rõ ràng nhưng lại bị thách thức. Do quá nóng nảy nên tôi đã cầm đá ném xe cứu thương. Đến lúc biết trên xe có bệnh nhân thì tôi rất hối hận".
Hình ảnh đối tượng cầm ghế đập xe cứu thương
Sau khi thanh niên chặn xe cấp cứu nhưng biết có bệnh nhân trên xe, Danh đã gọi người quen có xe cứu thương đến hỗ trợ chuyển bệnh nhân. Tuy nhiên một xe cứu thương khác gần đó đã hỗ trợ chuyển bệnh nhân miễn phí.
Sau khi sự việc xảy ra, Danh cho biết bản thân không liên lạc được với chủ xe cứu thương bị ném đá để xin lỗi. Người này cho biết sẽ bồi thường tiền sửa chữa chiếc xe.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Cường Phúc Thọ (chủ xe cứu thương bị ném đá) cho biết, hiện chiếc xe vẫn chưa được sửa chữa. Ước tính chi phí sửa chữa chiếc xe khoảng 16 triệu đồng.
Bà Thuỷ nói thêm: "Tài xế bị thương ở tay và hiện tại vết thương đã khô. Chúng tôi chưa nhận được lời xin lỗi nào từ phía người gây ra sự việc. Rất may kính văng vào người, tài xế đã che chắn kịp nên không ảnh hưởng vùng đầu”.
Phía Bệnh viện đa khoa Thiên Ân cho biết, sức khỏe của bệnh nhân liên quan sự việc thanh niên chặn xe cấp cứu đã ổn định.
Kính xe cứu thương bị vỡ sau khi bị đối tượng đập phá
Nói về sự việc trên, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TPHCM cho biết, quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 109/2009/NĐ-CP và Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi bổ sung 2019, xe cứu thương là xe được quyền ưu tiên trong giao thông đường bộ.
Theo đó, khi xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu sẽ được ưu tiên đi trước xe khác, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều và lưu thông kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ.
Chiếc xe cứu thương bị ném vỡ kính
Việc cản trở xe cấp cứu khi đang thực hiện nhiệm vụ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tuỳ vào mức độ vi phạm. Luật sư Bình cho biết, người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng. Hành vi “Cố ý gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác”, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng.
Trường hợp của nam thanh niên chặn xe cấp cứu có hành vi cản trở xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ, gián tiếp gây ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân thì đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo những hình ảnh được cung cấp cho thấy, nam thanh niên cố tình cầm cục gạch lớn và đập mạnh vào kính phía trước và bên hông xe cứu thương chỗ tài xế ngồi khiến chiếc xe bị hư hại nghiêm trọng. Căn cứ tại Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017, hành vi của thanh niên này hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Nam thanh niên có thể bị xử lý hình sự.
Căn cứ mức độ nguy hiểm của việc chặn xe cấp cứu, nam thanh niên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tối đa là 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 100.000.000 đồng.
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2024 – Công ty May Việt Nam VGC đã chính thức được ...