11/05/2023 | 09:50
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội rộ lên chuyện làm giả biên lai chuyển tiền ngân hàng, dùng các phần mềm công nghệ cao để tạo hình ảnh, video giả được các đối tượng xấu tận dụng để lừa đảo người khác và thực hiện những ý đồ, hành vi xấu.
Chị Thúy Hằng ở TP Hồ Chí Minh, là chủ của một cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em đã từng rất hoang mang khi thấy hình ảnh khuôn mặt mình xuất hiện trong một bức hình đòi nợ với đầy đủ các thông tin cá nhân. Đặc biệt, bên dưới hình ảnh còn kèm theo những lời nói miệt thị như: "đồng lõa, bao che, ăn chia cho nhân viên đi lừa đảo", "đi làm gái kiếm tiền trả nợ"... cùng với đấy là hình khỏa thân của một cô gái khác.
Đã có không ít người bị “khủng bố” bằng cách thức tương tự nhưng chưa bao giờ đi vay nợ. Thậm chí, nhiều người còn bị đăng cáo phó “chết vì trốn nợ” mặc dù họ vẫn sống bình thường và không dính vào bất cứ khoản nợ nào.
Chiêu trò làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng để đi lừa đảo
Một chiêu lừa đảo có độ “sát thương” cực kỳ đáng sợ đang lộng hành trong thời gian gần đây là làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng. Rất nhiều cá nhân, thậm chí là các nhà hàng, chủ kinh doanh quán ăn đã bị lừa lên đến hàng trăm triệu đồng. Kẻ xấu giả vờ đặt tiệc, mua hàng…rồi gửi biên lai chuyển khoản ngân hàng làm giả bằng công nghệ kỹ thuật cao để chứng minh đã thanh toán. Thông thường, các đối tượng này sẽ gửi biên lai vào chiều tối hoặc ngày cuối tuần rồi lấy lý do đã chuyển tiền đi nhưng chưa đến được tài khoản người nhận.
Với những người bán hàng, kẻ gian sẽ hối thúc giao hàng vì tiền đã chuyển. Với những mặt hàng là thực phẩm, các đối tượng lừa đảo còn có chiêu yêu cầu thêm những sản phẩm đắt tiền như rượu, nhân sâm… để làm quà cho bữa tiệc. Khi nhà hàng báo không có những sản phẩm “độc lạ”, kẻ gian sẽ giới thiệu đến một cơ sở khác có bán những sản phẩm trên để đặt hộ rồi thuyết phục nạn nhân chuyển tiền. Nhiều trường hợp vì chiều theo “thượng đế ảo” nên đành làm theo yêu cầu và rồi bị lừa một cách trắng trợn.
Bên cạnh chiêu trò cắt ghép hình ảnh, nhiều đối tượng còn tạo dựng thêm video giả để tăng thêm độ tin cậy nhằm dễ dàng thực hiện mục đích lừa đảo, bêu xấu của mình. Điển hình như các clip nhạy cảm có khuôn mặt gần giống với một người nổi tiếng nào đó. Kẻ xấu sẽ ngay lập tức thêm các hình ảnh của người nổi tiếng đó vào video để nhằm mục đích phát tán câu view. Hay những video quảng cáo bán thuốc trị bách bệnh, “nhà tôi ba đời…” cũng sử dụng những đoạn video cắt ghép từ các chương trình truyền hình để cho vào video của mình.
Mới đây, trong bài viết “Rất nhiều người đang bị lừa vì công nghệ giảm béo” của Việt Nam 247, cũng đã đề cập đến đoạn video quảng cáo của Americare clinic với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Nội dung quảng cáo đều có điểm chung là những người nổi tiếng có bụng nhiều mỡ, béo phì đến trung tâm để sử dụng dịch vụ, sản phẩm công nghệ của trung tâm này. Chỉ sau vài phút chỉnh sửa qua một phần mềm cao cấp hơn photoshop, các nghệ sĩ đã nhanh chóng sở hữu vóc dáng thon gọn, sáu múi.
Những kiểu giả tạo trên mạng xã hội đang trở nên nguy hiểm với người dùng. Chị H (Hà Nội) vào một buổi sáng chị nhận được tin nhắn trên Facebook từ một trang giả mang tên và hình ảnh của một người quen cũ. Bên kia nhờ chị bấm vào đường link để bình chọn cho con gái của họ tham dự một cuộc thi. Chị H bấm vào link và làm thêm vài thao tác theo hướng dẫn và chỉ ít phút sau bị mất tài khoản Facebook. Kẻ gian đã dùng trang cá nhân chỉ chị H để đi lừa đảo bạn bè, người thân và không ít người đã “dính bẫy”.
Những chiêu thức bêu xấu, lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và hết sức tinh vi. Do đó, người dùng cần nâng cao cảnh giác, xác minh rõ thông tin để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2024 – Công ty May Việt Nam VGC đã chính thức được ...