07/04/2023 | 13:38
Các ý kiến của buổi gặp gỡ xoay quanh về việc bóp chặt quy định phòng cháy chữa cháy khiến các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải tạm dừng hoạt động. Trong buổi gặp gỡ, Giám đốc công ty cổ phần điện lực Thanh Hoá - bà Lê Thị Hương đứng lên phát biểu về những “điểm nóng” và cũng là những nỗi bức xúc của tất cả các doanh nghiệp hiện nay.
Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 được tổ chức ngày 31/3
Bà Hương nêu kiến nghị về những hệ lụy trong Luật mới về phòng cháy chữa cháy gây nên nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh. Bà Hương cho biết, về vấn đề này không chỉ mình các doanh nghiệp tư nhân mà cả các trường học, ngân hàng, các cấp phường xã… đều phải chi ra một khoản chi phí không nhỏ để đầu tư theo Luật định mới. Điều này tiêu tốn của nhà nước một số tiền rất lớn.
Vấn đề thứ hai mà Giám đốc Công ty cổ phần điện lực nhắc đến là việc các doanh nghiệp bị đình chỉ vì quy định phòng cháy chữa cháy mới. Điều này gây nên những hệ luỵ rất lớn cho xã hội như: người lao động mất việc, doanh nghiệp không có việc làm… Luật phòng cháy chữa cháy mới hiện nay đã đẩy các doanh nghiệp vào tình thế “không có lối thoát”, nhiều đơn vị phá sản.
Bà Lê Thị Hương lấy đơn cử ví dụ về một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là Công ty xây dựng Hùng Phát chuyên sản xuất và làm về lĩnh vực cơ khí. Trong khi công ty đang phát triển thì Covid ập đến khiến các đơn hàng nước ngoài bị đóng băng. Khi dịch bệnh qua đi thì ngân hàng siết chặt lãi suất không cho vay. Thời điểm xoay xở tìm lối thoát thì luật mới về phòng cháy chữa cháy lại áp đến khiến doanh nghiệp bị đình chỉ sản xuất. Nợ quá nhiều khiến doanh nghiệp phải phá sản và kéo theo hàng loạt những hệ lụy tiêu cực.
Luật mới về phòng cháy chữa cháy gây nên nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp
Không riêng gì Công ty xây dựng Hùng Phát mà hiện cũng đang có rất nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đang trên đà phá sản vì luật phòng cháy chữa cháy mới.
Vấn đề tiếp theo được bà Hương nhắc đến trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp Thanh Hóa là công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy của lực lượng chức năng khi đến các doanh nghiệp. Bà Hương tỏ ra khá bức xúc cho biết, các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền vào hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nhiều xí nghiệp đã bỏ ra hàng vài trăm triệu đồng để đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng đến khi lực lượng chức năng vào kiểm tra vẫn bị đình chỉ, đóng cửa và phạt hành chính với lý do chưa được nghiệm thu đã đi vào sử dụng.
Thay vì đến các doanh nghiệp lập biên bản xử phạt thì các cơ quan có thẩm quyền nên hướng dẫn các doanh nghiệp cách nghiệm thu nhanh, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác nghiệm thu để quá trình này được xử lý nhanh chóng. “Việc xử phạt phòng cháy chữa cháy bằng cách đình chỉ sản xuất chính là trực tiếp đẩy doanh nghiệp từ khó khăn này đến khó khăn khác” - bà Hương cho biết.
Bày tỏ quan điểm của mình, Giám đốc Công ty cổ phần điện lực Thanh Hoá nêu lên: “Chúng ta cần nhìn rộng về vấn đề này để có kiến nghị lên Quốc hội. Bằng mọi cách để thay đổi, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy không chỉ đến doanh nghiệp để phạt mà phải đồng hành, đi sâu và thấu hiểu cho các đơn vị. Không chỉ áp dụng đúng theo luật mà cần phải nhìn vào thực tế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển”.
Nhắc đến những vấn đề đã nêu, bà Hương cũng cho biết thêm: Nguyên nhân cháy không phải do công tác hay hệ thống phòng cháy chữa cháy không tốt mà còn có rất nhiều lý do như chập điện. Chính vì vậy mà bên cạnh luật phòng cháy chữa cháy thì ngành điện cũng nên có chế tài dành cho những đơn vị lắp đặt hệ thống điện vào kinh doanh. Đơn cử, nếu khách sạn, nhà hàng… làm một đường điện quá mỏng, mua dây chất lượng kém, các mối nối không tốt… khi chạm chập rất dễ xảy ra cháy.
Bà Hương nêu lên ví dụ điển hình về quán karaoke bị cháy ở Bình Dương xảy ra vào tháng 9/2022 cũng là do chập điện mà cháy. Không chỉ riêng doanh nghiệp này mà gần như có đến 99% các đơn vị, xí nghiệp xảy ra cháy nguyên nhân đều xuất phát từ chập điện. Chính vì vậy, bà Hương đề nghị ngành điện cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vấn đề sử dụng điện tại các doanh nghiệp để khắc phục những vụ cháy xảy ra.
Nhắc lại vấn đề phòng cháy chữa cháy, bà Hương cho rằng hệ thống phòng cháy chữa cháy chỉ phát huy tác dụng khi có cháy xảy ra. Vậy nên thay vì chữa tại sao chúng ta không phòng ngay từ đầu để giảm thiểu những thiệt hại về người và của.
Trước đó, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, một số tiêu chuẩn dù mới hay cũ, không thực tế hoặc khó thực hiện. Ví dụ, quy định về "Kết cấu chịu lực được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy" của Bộ Công an được áp dụng theo tiêu chuẩn Anh. Quy định này yêu cầu bọc vật liệu chống cháy cho các cột thép nhà xưởng bằng vật liệu rỗng hoặc sơn bằng loại sơn chống cháy.
Một số tiêu chuẩn trong quy định phòng cháy chữa cháy không có tính khả thi
Tuy nhiên, chi phí cho việc này ở thị trường Việt Nam lại rất cao và chưa có loại sơn nào được cấp phép đủ điều kiện. Ngoài ra, theo quy định của Bộ Xây dựng, hệ thống ống gió điều hoà từ yêu cầu bọc thạch cao chống cháy có chi phí đắt đỏ thay vì bọc amiăng. Các yêu cầu về khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP HCM cũng rất khó để đáp ứng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Những chia sẻ của bà Lê Thị Hương cũng chính là nói lên tiếng lòng của các doanh nghiệp đang phải khốn đốn về luật phòng cháy chữa cháy mới trên địa bàn tỉnh nói riêng và các doanh nghiệp trên cả nước nói chung. Hy vọng mọi khó khăn của các doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy sẽ sớm được tháo gỡ để phát triển kinh tế.
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2024 – Công ty May Việt Nam VGC đã chính thức được ...