18/04/2023 | 14:03
Ngày 17/4, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử ông Nguyễn Quang Tuấn - cựu giám đốc BV Tim Hà Nội cùng 11 đồng phạm về tội vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng và nội dung xét hỏi tại tòa, BV Tim Hà Nội thiếu vật tư vào cuối năm và có chủ trương cho doanh nghiệp ký gửi vật tư để sử dụng trước. Sau đó, bệnh viện thanh toán cho doanh nghiệp thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu chỉ định rút gọn. Từ việc thanh toán này, các bị cáo tại BV Tim Hà Nội, Công ty Kim Hòa Phát, Công ty Hoàng Nga, Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC có hàng loạt sai phạm.
Để đảm bảo cho hai công ty được trúng thầu, ông Đoàn Trọng Bình - phó Phòng vật tư, thiết bị y tế tổng hợp đã khai báo cho hai công ty cung cấp báo giá để xác định được giá kế hoạch. Dựa trên cơ sở giá của hai công ty, bị cáo Bình và bị cáo Nghiêm Tuấn Linh - cùng là phó phòng vật tư, thiết bị y tế tổng hợp đã lập danh mục mua sắm.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - cựu giám đốc BV Tim Hà Nội tại phiên tòa ngày 17/4
Bị cáo Bình sau đó đã lập biên bản họp hội đồng mua sắm, đưa cho các thành viên ký hợp thức hóa mặc dù hội đồng không tiến hành họp. Sau đó, danh mục được trình báo với bị cáo Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc BV Tim Hà Nội lúc bấy giờ để ký phê duyệt với 807 mặt hàng mua sắm, tổng số tiền gần 397 tỷ đồng trong năm 2016.
Danh mục trên sau đó được đưa sang Công ty AIC để thẩm định giá trước khi tiến hành lập hồ sơ mời thầu. Do thống nhận chọn công ty AIC nên hồ sơ chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá cũng được ký hợp thức mặc dù không họp hội đồng mua sắm.
Trong quá trình thẩm định, đã có sự trao đổi giữa các bị cáo thuộc BV Tim Hà Nội với nhân viên của Công ty AIC để kết quả thẩm định giá khớp với mức báo giá của hai công ty cung cấp. Sau khi nhận được chứng thư thẩm định giá, BV đã tổ chức gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất cho năm 2016. Trong đó, Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu 10 mặt hàng, Công ty Hoàng Nga trúng thầu 14 mặt hàng.
Đến năm 2017, ông Tuấn viện lý do “cấp bách” xin chủ trương từ Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND TP Hà Nội áp dụng phương thức chỉ định thầu rút gọn. Bốn gói thầu năm 2017 đã được áp giá trúng thầu từ gói năm 2016 vốn đã có sự thông đồng về giá trước đó.
Thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, Cáo trạng xác định: Các bị cáo thuộc BV Tim Hà Nội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Đồng thời, thông đồng với các bị cáo khác từ khâu làm hồ sơ giấy tờ, đơn giá, chủng loại… Các bị cáo tại Công ty Kim Hòa Phát, Hoàng Nga và AIC đã có hành vi giúp sức các bị cáo thuộc BV Tim Hà Nội. Vụ việc trên khiến nhà nước thiệt hại hơn 53 tỷ đồng.
Tại tòa, ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc BV Tim Hà Nội thừa nhận đã đưa ra chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại BV để sử dụng trước do BV thiếu vật tư. Bị cáo thừa nhận việc danh mục mua sắm là sử dụng giá do hai công ty gửi sang vì bệnh viện đã sử dụng trước vật tư mà hai công ty này ký gửi.
Các bị cáo tại phiên tòa
Ông Tuấn cho biết, các mặt hàng trên là mặt hàng truyền thống, bệnh viện đã mua nhiều lần. Ông có chỉ đạo cấp dưới tổ chức đấu thầu sao cho giá bằng hoặc thấp hơn giá đã mua, vừa có thể thanh toán được cho các nhà thầu. Bệnh viện bắt buộc phải đấu thầu để trả nợ cho doanh nghiệp. Ông Tuấn thừa nhận, việc đấu thầu rộng rãi, chỉ định đấu thầu là sai nhưng không còn cách nào khác.
Về kết quả thẩm định giá cho thấy, các mặt hàng trúng thầu cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Ông Tuấn cho rằng điều này rất khó nói vì Bệnh viện đã đối chiếu với giá của những đơn vị khác đã sử dụng, giá trúng thầu ở thời điểm đó là thấp hơn so với giá thị trường.
Lời khai của bị cáo Tuấn khớp với lời khai của bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (phó giám đốc BV Tim Hà Nội). Theo lời khai của bị cáo Thưởng, cứ đến cuối năm là bệnh viện lại thiếu vật tư, thủ tục đấu thầu thì kéo dài nên bệnh viện phải vay từ các nhà cung cấp để sử dụng, sau đó hợp thức hóa thành hình thức đấu thầu.
Tại phiên tòa, các thuộc cấp một thời của bị cáo Tuấn đều khai biết việc sử dụng giá của hai công ty để lập kế hoạch, biết việc hội đồng mua sắm không tổ chức họp nhưng vẫn ký vào biên bản. Các bị cáo cũng thừa nhận gói thầu năm 2016 bị sai nên gói thầu năm 2017 cũng sai phạm.
Ở khâu thẩm định giá, các bị cáo khai việc ban hành chứng thư thẩm định giá là không đúng với quy định, thiếu ở nhiều khâu, giá trong chứng từ là giá do bệnh viện đề nghị.
Cơ quan tố tụng xác định khi ban hành chứng thư thẩm định giá, các bị cáo đã vi phạm quy tắc dùng kết quả thẩm định giá đã được đề ra có chủ ý từ trước.
Các bị cáo trong vụ đấu thầu tại BV Tim Hà Nội gồm có: Nguyễn Quang Tuấn (cựu giám đốc), Hoàng Thị Ngọc Hưởng (phó giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (phó trưởng Phòng vật tư y tế), Nghiêm Tuấn Linh (nhân viên Phòng vật tư y tế).
Các bị cáo thuộc doanh nghiệp gồm: Nguyễn Đức Đảng (chủ tịch), Phạm Huy Lập (giám đốc), Phạm Thị Kim Oanh (kế toán trưởng) thuộc Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Nga; bị cáo Phan Tuấn Đạt, chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát.
Các bị cáo thẩm định giá: Trần Phú Hưng, Nguyễn Hồng Dũng, cùng là phó tổng giám đốc; Nguyễn Trung Dũng, nhân viên thẩm định giá, thuộc Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC.
Vietnam247.vn sẽ tiếp tục cập nhật tình hình vụ án khi có thông tin mới nhất!
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2024 – Công ty May Việt Nam VGC đã chính thức được ...