17/05/2023 | 19:38
Chỉ sau 2 ngày giết mổ lợn nhưng thiếu biện pháp phòng tránh bảo hộ, người đàn ông 48 tuổi đang sinh sống tại Ba Vì (Hà Nội) bất ngờ xuất hiện những triệu chứng như: sốt cao, rét run, đau mỏi người và buồn nôn.
Sau đó một ngày, tình trạng đã diễn biến nặng hơn bệnh nhân xuất hiện triệu chứng xuất huyết khắp cơ thể. Bệnh nhân đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì để khám và chẩn đoán đồng thời theo dõi xem nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.
Vì tình trạng nặng, người đàn ông đã tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Quân Y 105 để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không nay qua khỏi và tử vong ngay sau đó.
Đây là một trong những trường hợp tử vong do liên cầu lợn đã được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ghi nhận trong tuần vừa qua.
Xuất huyết là triệu chứng điển hình của liên cầu khuẩn lợn.
Một trường hợp khác phát hiện mắc liên cầu lợn được ghi nhận là một người phụ nữ 43 tuổi, sống tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Người phụ nữ làm nghề bán thịt lợn tại chợ Đông Phương Yên.
Sau khi mắc liên cầu lợn bất ngờ xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, ý thức mơ hồ, bệnh nhân đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân y 103 để điều trị. Tại đây, bệnh nhân đã được lấy mẫu dịch não, tủy nuôi cấy và kết quả là dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).
Theo hệ thống thông kê của CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, tại thành phố đã ghi nhận 5 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn và trong đó có một ca tử vong; với cùng kỳ năm ngoái thì không ghi nhận ca mắc nào.
BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ lợn, chế biến và ăn thịt lợn bị bệnh chưa nấu chín. Do đó, không chỉ ăn tiết canh và ngay cả khi giết mổ, chế biến lợn không đúng, không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thì cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn.
Theo chuyên gia, việc nhiễm khuẩn liên cầu lợn có nhiều biến thể bệnh nhưng có 2 thể chính đó là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
Với thể nhiễm trùng huyết thì người bệnh sẽ gặp diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ bị rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu như không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp nguy cơ tử vong rất cao.
Thể thứ hai là viêm màng não, thường bệnh nhân rơi vào trường hợp này thì tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như là liệt hay các di chứng về mặt thần kinh.
Theo Cục Y tế dự phòng, vi khuẩn liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bệnh nhân bị nhiễm nặng có thể tử vong do sốc nhiễm trùng do độc tố của vi khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết... Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm Streptococcus suis có thể lên tới 7%.
Trước thực trạng này, Bác sĩ Phúc đề nghị người dân tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi.
"Người dân không nên giết mổ lợn trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín kĩ hoặc các món chế biến tái, tiết canh. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu sắc bất thường như đỏ, xuất huyết hoặc là phù nề", Bác sĩ Phúc phân tích.
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2024 – Công ty May Việt Nam VGC đã chính thức được ...