Những món ăn ngày Tết miền Bắc mang đậm bản sắc dân tộc

04/01/2023 | 14:28

Những món ăn ngày Tết miền Bắc mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc, thể hiện cái chất, cái hồn của người con đất Bắc và những lời chúc tốt đẹp đầu năm.

Miền Bắc những ngày cuối năm âm lịch mang đậm không khí Tết. Với tiết trời se lạnh, những mai, những đào, những quất rực rỡ khoe sắc dưới phố. Nhiều chị em đã bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị những món ăn ngày Tết miền Bắc để cùng gia đình sum vầy đoàn viên. Bạn đã biết Tết Bắc đặc trưng với những hương vị nào chưa? Theo dõi bài viết sau để cùng mang Tết cổ truyền về cho gia đình nhé.

Những món ăn ngày Tết miền Bắc mang đậm nét văn hóa

Những món ăn ngày Tết miền Bắc mang đậm nét văn hóa

Bánh chưng - Linh hồn Tết cổ truyền

Một trong những món ăn quen thuộc nhất trong dịp năm mới ở miền Bắc đó chính là bánh chưng. Đây là món bánh truyền thống săn sâu vào tiềm thức của những người con đất Việt. Không những thế, món ăn này còn mang trong mình ý nghĩa lịch sử sâu sắc, gắn liền với hoàng tử Lang Liêu vào đời Hùng Vương thứ 6.

Trong khi những hoàng tử khác lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ thì Lang Liêu đã sử dụng gạo - hạt ngọc của trời - để làm bánh chưng bánh dày dâng cha. Đây không chỉ là kết tinh của trời đất mà còn thể hiện sự quý trọng sức lao động của con người và lòng thành kính dâng tổ tiên. Vì món bánh này mà Lang Liêu được vua cha khen ngợi hết lời và bánh chưng trở thành món bánh truyền thống mỗi dịp Tết cổ truyền.

​Bánh chưng là món ăn mang đậm văn hóa văn minh lúa nước

​Bánh chưng là món ăn mang đậm văn hóa văn minh lúa nước

Bánh chưng tượng trưng cho mặt đất - theo quan niệm của người xưa là trời tròn đất vuông. Nhân bánh có gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn tượng trưng cho vạn vật sinh sôi. Lá dong xanh mướt gói bánh để ôm trọn đất trời. Lạt buộc bên ngoài khăng khít vấn vương thể hiện sự đoàn kết, gắn bó khăng khít. Chiếc bánh là biểu tượng cho cả một nền văn minh lúa nước, gói ghém những sản vật của của trồng trọt và chăn nuôi.

Bởi vậy, dù Tết có muôn vàn của ngon vật lạ thì trên mâm cúng gia tiên cũng không thể thiếu bánh chưng. Mâm cơm ngày Tết miền Bắc nếu không có bóng dáng chiếc bánh xanh như ngọc này thì cũng mất đi một phần ý nghĩa và không còn trọn vẹn. 

Thịt đông - món ăn ngày Tết miền Bắc đậm đà bản sắc dân tộc

Những gia đình truyền thống đất Bắc, trong mâm cơm ngày Tết chắc chắn không thể thiếu món thịt đông. Sở dĩ món ăn này phổ biến bởi không khí miền Bắc mùa đông lạnh, thịt được chế biến xong mới có thể đông thành một khối. Hiện nay, nhờ có tủ lạnh mà người dân mọi miền, mùa nào ngày nào muốn cũng có thể chế biến món này. Tuy nhiên, đến dịp Tết âm lịch thì món ăn mới trở nên ý nghĩa vẹn toàn.

Thịt đông giúp Tết trở nên vẹn toàn

Thịt đông giúp Tết trở nên vẹn toàn

Món thịt đông tượng trưng cho sự may mắn sung túc cả năm của cả gia đình. Nguyên liệu chính là thịt chân giò, tai heo, nấm hương, mộc nhĩ… Tùy từng nơi mà có thể thêm cả cà rốt, hành, gừng. Tuy nhiên, gia vị không thể thiếu chính là hạt tiêu - giúp khơi dậy mùi vị, tạo cảm giác ấm nồng lôi cuốn. Những nguyên liệu hòa quyện hài hòa thể hiện tình cảm gia đình gắn kết yêu thương và hạnh phúc tròn đầy.

Sự thành công của món ăn là khi thịt và nước đông lại thành khối. Phần thịt mềm, ngọt nhưng không ngán. Phần nước trong núng nính như thạch và tổng thể có màu sắc bắt mắt. Dù là cơm cúng gia tiên hay cơm gia đình, cơm đãi khách dịp Tết thì đây cũng là món ăn tạo nên hương vị, màu sắc và có vị trí đặc biệt quan trọng.

Dưa hành - Một năm sung túc ấm êm

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Những mùi vị, những màu sắc, những âm thanh của Tết đã được đưa vào thơ ca. Và một trong những món ăn cổ truyền mang đậm phong cách miền Bắc đó chính là dưa hành. Cũng giống như món kiệu muối miền Nam, dưa hành muối trắng phau chua chua ngọt ngọt mang ý nghĩa của một năm sung túc ấm no, thuận buồm xuôi gió.

Dưa hành muối cho Tết sung túc sum vầy

Dưa hành muối cho Tết sung túc sum vầy

Dưa hành với thịt đông còn mang ý nghĩa phong thủy cho Tết sung túc sum vầy. Theo đó, món thịt đông có vị mặn tương ứng với hành Thủy. Dưa hành có vị chua tương ứng với hành Mộc. Hai món ăn kết hợp với nhau mang đến sự hài hòa trong phong thủy. Trong khía cạnh ẩm thực, thịt béo ăn với dưa chua giúp kích thích tiêu hóa, hỗ trợ nhau và tăng cảm giác ngon miệng.

Canh bóng - Sự cầu kỳ và tinh tế trong ẩm thực người Hà Nội

Ẩm thực ngày Tết miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng chắc chắn không thể không nhắc đến món canh bóng. Món ăn đầy màu sắc rực rỡ nhưng lại mang đậm nét thanh tao truyền thống, thể hiện cái hồn, cái chất của con người đất Thăng Long.

Canh bóng thanh đạm chế biến cầu kỳ

Canh bóng thanh đạm chế biến cầu kỳ

Nguyên liệu làm nên món canh này khá cầu kỳ và cần chế biến qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn lại cần sự tinh tế, tỉ mỉ và dành nhiều tâm tư tình cảm. Món canh hoàn thành ngon nhất là ăn khi còn nóng. Bạn có thể cảm nhận được nước súp ngọt ngào thấm đẫm khoang miệng, vấn vương đầu lưỡi. Miếng bóng giòn dai sần sật, miếng mọc ngọt thơm thấm đẫm cùng vị tươi thanh mát của rau củ nấu cùng.

Mâm cỗ Tết hiện đại, nhiều nơi đã thay món canh bóng bởi nguyên liệu cầu kỳ, thời gian chế biến dài và yêu cầu kỹ thuật cao. Chỉ còn một số gia đình muốn lưu giữ những dư vị Tết xưa, giữ nếp cửa nếp nhà mới có đủ tình yêu và sự tinh tế để chế biến món ăn này.

>>>Xem thêm : Top 5 món ăn may mắn ngày Tết cho một năm sung túc, đủ đầy

Gà luộc - Món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng giao thừa

Gà luộc là món truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ của gia đình người Việt mọi miền đất nước. Theo quan niệm của nhiều người, khi dâng gà lên cúng ông bà tổ tiên sẽ có một năm thuận lợi sung túc, công việc hanh thông thuận lợi, gia đình êm ấm bình an. 

Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng tất niên

Gà luộc là món không thể thiếu trong mâm cúng tất niên

Gà được chọn là gà trống tơ mạnh khỏe, mào lớn màu đỏ, lông đỏ hay vàng. Chân và mỏ cũng có màu vàng. Khi luộc cần thực hiện đúng kỹ thuật để thịt chín vừa phải, không bị rách da, da vàng và căng bóng. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý sao cho cặp chân đều đẹp do nhiều người còn có thói quen xem vận mệnh, phong thủy từ chân gà luộc cúng đêm Giao thừa.

Giò chả - Phú quý, sang trọng, phúc lộc đầy nhà

Trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc thì giò chả cũng là món thường xuyên góp mặt, tô điểm đầy màu sắc, gắn kết tình cảm và sự đoàn kết. Theo quan niệm thì khoanh giò hình tròn tượng trưng cho sự toàn vẹn, hạnh phúc đong đầy, sum vầy hạnh phúc. 

Giò được chế biến từ thịt lợn hoặc thịt bò tươi còn ấm nóng. Sau đó thịt được mang đi giã nhuyễn trộn cùng gia vị rồi gói bằng lá chuối và mang đi luộc. Thành phẩm có màu trắng hồng mướt mát, bề mặt mịn chắc chắn và có độ dai giòn. Chả còn được gọi là giò lụa, cũng sử dụng thịt lợn chất lượng cao nhưng có thêm mỡ để tạo cảm giác béo ngậy. Nguyên liệu còn có thêm bì lợn làm sạch để tăng cảm giác ngon miệng, độ giòn sần sật. 

Muốn có giò lụa ngon cần chế biến cầu kỳ từng công đoạn

Muốn có giò lụa ngon cần chế biến cầu kỳ từng công đoạn

Cách chế biến giò chả không cần nhiều thời gian nhưng lại khá cầu kỳ. Khi đưa lên mâm cỗ Tết, món ăn này được ăn cùng nước mắm nhĩ, dưa hành giúp tăng hương vị. Chắc chắn thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Trên đây là các món ăn ngày Tết miền Bắc đặc trưng thể hiện được văn hóa, truyền thống dân tộc. Tất cả đều mang đậm bản sắc người Việt, có ý nghĩa cầu mong một năm mới an khang vui vẻ, công việc hanh thông, tài lộc đầy nhà, gia đình đoàn viên. Theo dõi chuyên mục Ẩm thực để cập nhật thêm nhiều bài viết mới về ẩm thực muôn nơi.

Vân Anh

Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Tạp chí Sao

Đọc nhiều nhất